-
Thảo luận về xu hướng của VNINDEX tới cuối 2023
Topic này chỉ để thảo luận và đưa ý kiến về xu hướng chung (tổng quan) của toàn thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn cuối năm 2023. Đương nhiên là cả thị trường chứng khoán nhưng đại diện để bàn nhất vẫn là VNINDEX, chỉ số của sàn Hose (HSX).
Gọi là tới hết năm 2023 nhưng thời gian cũng chỉ còn khoảng 3 tháng, thấm thoắt thoi đưa, một năm trôi thật nhanh. Để đánh giá xu hướng của VNINDEX, chúng ta vẫn sẽ liệt kê những dữ liệu sẽ ảnh hưởng tới nó dưới đây.
Danh sách những yếu tố tác động tới VNINDEX
- Kinh tế vĩ mô toàn cầu
- Diễn biến của thị trường chứng khoán có tính dẫn dắt (Mỹ)
- Chính sách tiền tệ hiện tại và tương lai của Mỹ
- Kinh tế vĩ mô Việt Nam
- Chính sách tiền tệ và chính sách kinh tế của Việt Nam
- Mức định giá của VNINDEX (đắt, rẻ)
Kinh tế vĩ mô toàn cầu
Kinh tế vĩ mô là thứ không dễ thay đổi một sớm một chiều. Do vậy khi đọc thông tin về kinh tế vĩ mô bạn sẽ thấy ít điều mới mẻ. Chúng bao gồm:
- Lạm phát tại Mỹ không quá cao nhưng không thấp, việc hạ xuống mức 2% vẫn là 1 thách thức lớn yêu cầu sự thắt chặt nghiêm ngặt.
- Kinh tế toàn cầu hiện chưa có sự suy thoái nghiêm trọng nào. Mọi thứ mới dừng ở mức độ khó khăn, chậm chạp.
- Trung Quốc vướng vào khủng hoảng BĐS, giảm phát đã xảy ra.
- Chiến tranh Nga – Ukraina vẫn bế tắc, sẽ còn kéo dài
Trên thang điểm 100 của tiêu cực – tích cực, chúng ta hiện ở điểm số 55 – 60. Mọi thứ vẫn đang trên trung bình, nhưng hoàn toàn không phải tích cực hay có các động lực rất tuyệt vời nào. Trong tình huống k có các biến cố xảy ra, thứ chúng ta cần là thời gian. Sau vài năm, khi sự thích nghi xảy ra, điểm số sẽ lên lại mức 80 – 85. Còn bất cứ biến cố nào xảy ra hiện tại cũng đưa vĩ mô về dưới mức 50, mức nghiêng về tiêu cực.
Diễn biến của TTCK Mỹ
Nếu nắm được chính xác diễn biến TTCK Mỹ, về cơ bản sẽ có 9/10 phần định hướng tại Việt Nam. Mời bạn quan sát biểu đồ dưới đây để hiểu rõ về diễn biến TTCK Mỹ:
Diễn biến chỉ số SPX trên khung thời gian 3 tháng, tổng quan nhất Chúng ta có 1 đợt giảm khá mạnh từ đỉnh, nhưng không quá sâu về biên độ. Mức phục hồi cũng rất mạnh, thời gian khổ đau là rất ngắn. Hiện tại chúng ta đang có vùng Histogram MACD 0, tại đây sự tranh chấp sẽ diễn ra. Xuống từ đây thì đợt hồi phục này gọi là bull trap. Tăng trưởng từ đây, tạo đỉnh mới thì đợt giảm 2022 – 2023 lại gọi là bear trap.
Quan sát cột Histogram của MACD để hiểu rằng: Đợt giảm bao gồm 02 lần:
- Lần thứ nhất từ đỉnh của cột histogram MACD xanh về histogram MACD 0
- Lần thứ 2 từ khi Histogram âm tới khi dương trở lại.
Cách sử dụng MACD đã được viết rất kỹ ở bài này. Luôn tưởng tượng MACD như thời tiết, và 4 mùa trong năm để sử dụng hiệu quả nhất. Ví dụ ở Việt Nam, mùa đông bắt đầu từ tháng 09, nhưng đỉnh của nhiệt độ sẽ là tháng 07. Từ tháng 7 tới tháng 9, nhiệt độ vẫn cao nhưng trong xu hướng giảm dần. Đây chính là giai đoạn Histogram của MACD trở về 0. Mùa đông xác lập vào tháng 9, nhưng tháng 12 mới lạnh nhất và sau đó lại là mùa xuân. Giai đoạn này là giai đoạn Histogram âm và trở lại dương sau đó.
Nhìn vào đợt giảm của SPX, chúng ta chỉ thấy việc hạ đi cái nóng của mùa hè quá cao. Chưa hề có mùa đông nào ở đây, chỉ là 2 quý hơi se lạnh mà thôi. Nó cũng phản ánh đúng những gì diễn ra ở nền kinh tế. Giá cả tăng nóng, lạm phát và cú hãm phanh của Fed. Và chưa có cuộc khủng hoảng hay suy thoái nào thực sự diễn ra, đương nhiên chúng ta không có “mùa đông” trên thị trường.
Tại cuộc khủng hoảng 2000 và 2008, mức giảm là hoàn toàn phù hợp với tình hình kinh tế lúc đó. Đó là lí do chúng ta phải quan tâm về vĩ mô trước tiên. Nếu vĩ mô mà tệ, chúng ta đương nhiên có một mùa đông. Tức chuỗi quý có Histogram MACD âm.
Đánh giá: Với cả đồ thị kỹ thuật + diễn biến kinh tế, gần như chúng ta chỉ có 02 khả năng:
- Thị trường nếu đi lên sẽ là những nến rất ngắn, nhỏ. Nó sẽ giống các nến giai đoạn trước 2020. Bạn thấy rằng các diễn biến là rất chậm rãi, không giật cục như cú bơm tiền kinh khủng năm 2020.
- Thị trường đi xuống sẽ có cơ hội tạo ra những nến xanh dài và nhanh chóng. Bởi người ta sẽ lại tác động chính sách đáng kể, tạo ra bước ngoặt nhanh chóng cho thị trường.
Về lâu dài, thị trường luôn tăng trưởng. Nếu tạo ra một cơn đau để cắt bỏ khó khăn, thì sau đó nó sẽ chạy. Còn không, nó sẽ tiếp tục đi bộ với cái chân khá đau. H.P luôn cho là mùa đông có thể còn phía trước. Đừng thấy ánh nắng đã lại nghĩ hè sang. Như trên ảnh, bạn thấy Histogram đã từ âm về 0, đã sẵn sàng cho chu kỳ tăng mới? Chưa chắc, đôi khi đó là sắp bắt đầu của 1 đợt lạnh nữa. Có thể không rất lạnh, nhưng đủ để người ta hiểu rằng đây không phải mùa hè.
Chính sách tiền tệ của Mỹ
Chưa có tín hiệu nào về việc đảo chiều chính sách thắt chặt từ Fed. Và nếu có tín hiệu để fed thay đổi chính sách, đó sẽ lại là 1 tín hiệu tiêu cực cho nền kinh tế. Ví dụ thất nghiệp tăng cao, tiêu dùng giảm, lương giảm v.v. Chỉ khi đón nhận những thông tin này Fed mới ngừng lại việc thắt chặt của mình. Như vậy về cơ bản việc đối mặt với khó khăn gần như là bắt buộc. Hoặc bạn phải chịu chính sách thắt chặt kéo dài, hoặc bạn phải chuyển sang giai đoạn khó khăn. Không thể trong trạng thái tích cực, nhưng lại mong có chính sách tiền tệ nới lỏng.
Điều này khiến H.P đánh giá rằng một đợt khó khăn đáng kể sẽ xảy ra trong tương lai. LS sẽ phải tiếp tục duy trì ở mức khá cao trong thời gian dài để đạt mục tiêu hạ cánh mềm. LS chỉ có thể hạ từ từ chậm rãi, trong một tương lai xa hơn, khi tiêu dùng vẫn quá mạnh.
Kinh tế Vĩ Mô Việt Nam
H.P cho rằng các chỉ tiêu vĩ mô cơ bản sẽ rất khó đạt. 8 tháng đã qua, nửa tháng 9 đã hết. Mục tiêu giải ngân đầu tư công: 95%, trong khi hiện tại mới ở mức 50%. Đối với GDP mục tiêu 6.5% thì gần như không thể đạt, kể cả ở mức 5% cũng sẽ phải phấn đầu rất nhiều. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 – 15% đương nhiên cũng không đạt. Vay tiền làm ăn thì mãi mới ra được quyết định hay không. Chỉ có vay Fomo mua đất mua coin là nhanh. Tăng trưởng tín dụng và bền vững quả thật rất khó. Đó chính là tình trạng thừa tiền, cho vay bừa bãi thì bao nhiêu cũng hết. Còn cho vay chuẩn chỉ, tốt cho nền kinh tế để tăng trưởng chưa bao giờ dễ dàng.
Nền kinh tế của chúng ta vẫ là sản xuất, công nghiệp, thủy sản, trồng trọt chiếm tỉ trọng cao. Do đó khi các nền kinh tế lớn giảm sức mua, chúng ta ảnh hưởng nhanh hơn do khối dịch vụ không đủ mạnh để gánh.
Cùng với tác động của sự đi xuống của BĐS đã kéo kinh tế của chúng ta tụt nhanh như vậy. Việc bị ảnh hưởng do khủng hoảng BĐS là vấn đề riêng của VN, TQ bên cạnh những khó khăn toàn cầu phải chịu.
Chính sách tiền tệ của Việt Nam
Chênh lệch rất lớn giữa thực trạng và mục tiêu đã khiến VN phải đảo chính sách sang nới lỏng rất mạnh. Lãi suất dài hạn các ngân hàng lớn thậm chí đã về mức dưới 6%, ở quanh mức 5.5%. Tiền đang thừa trong hệ thống ngân hàng, nhưng không thể tăng trưởng tín dụng. Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, cơ hội của TTCK là tương đối lớn. Khi dòng tiền dồi dào chuyển sang đầu cơ và tạo tăng trưởng. Có thể tưởng tượng như giờ có tiền cũng không biết làm gì, gửi tiết kiệm thì lãi quá thấp. Bạn bè khắp nơi thì đều ăn chứng, tuần 10 20%, trong khi gửi cả năm được 6%. Dòng tiền đầu cơ này đương nhiên không lành mạnh, nó cũng không thực sự tốt cho TTCK hay nền kinh tế. Nhưng trong ngắn hạn, nó tạo ra sự tăng trưởng và cơ hội đầu tư.
Dòng tiền thừa thãi này là một điều rất cần chú ý với TTCK. Khi nó đến tạo ra tăng trưởng đáng kể hơn thực tế sxkd rất nhiều. Và khi nó đi, sự tang thương sẽ ở lại. Việc các ngân hàng hạ LS tiền gửi không chỉ nhằm mục tiêu hạ LS cho vay, mà họ thực sự thừa tiền và cần cân đối lại. Hiểu cụ thể như sau: Số tiền gửi vào hệ thống tăng lên, tăng trưởng tín dụng lại giảm đi => Thừa tiền. Khi không thể tăng cho vay, thì chỉ có thể đẩy bớt tiền gửi đi. Việc hạ lãi suất chỉ nhằm giảm áp lực cho người đã vay hoặc có kế hoạch kinh doanh. Không ai vì lãi suất giảm từ 10% xuống 8% mà sáng mai đi vay để mở xưởng. (Nhưng LS 2% thì đương nhiên nhiều người dám liều hơn)
Có thể nói như sau:
LS gửi tiết kiệm 5 6% vẫn là mức rất tốt, và đa số người có thói quen gửi tiết kiệm vẫn chấp nhận mức này. Hành vi của việc rút tiền gửi tiết kiệm sang mua chứng khoán phần lớn đến từ lòng tham. Tức là có 2 nguyên nhân:
- Do LS hạ quá nên chuyển kênh đầu tư (10%)
- Do bạn bè anh em ăn chứng khoán ác quá (90%)
Mặc dù VTV đưa tin cụ ông 81 tuổi rút tiền tiết kiệm mua CK có thể là một điềm gở. Nhưng có vẻ như dư địa cho tăng trưởng còn rất đáng kể.
Định giá VINDEX
Ở mức 1250, VNINDEX không hề rẻ chút nào. Có một số CP ngân hàng vẫn có thể coi là rẻ so với mức EPS của nó. Còn hầu hết các CP đều KHÔNG RẺ. Việc đầu tư thêm lúc này chủ yếu là đặt cửa tiếp vào dòng tiền nóng từ việc không biết “đầu tư, làm ăn” gì. Chúng sẽ lại chảy vào TTCK. Các rủi ro bao gồm sự tăng trưởng là ko lành mạnh và tình hình vĩ mô vẫn rất xấu.
Khả năng tăng trưởng tiếp từ dòng tiền dư thừa là cao chứ không hề thấp. Lời khuyên của H.P ngay lúc này là: Bạn liều cũng được, có vẻ như chúng ta chưa ở tận cùng của đảo chiều. Bạn kiên nhẫn chờ đợi hoàn toàn cũng được. Nhưng phải thống nhất 1 định hướng, đừng để khi thấy người khác ăn mà thay đổi chính mình, bạn sẽ thua.
Việc chơi lúc này không hề sai, bạn chỉ cần nhận thức rõ về vị trí, định giá và thực trạng. Tránh để khi thủy triều rút còn mỗi cái khố rách. Trên thang điểm 100 của tổng hành trình có thể tăng, H.P cho rằng chúng ta mới được khoảng 75 điểm. Vẫn sẽ có rung lắc ngắn hạn, nhưng sức đẩy của tiền thừa có thể đưa VNI vượt mức 1300. Chỉ cần không có bất cứ biến cố nào từ quốc tế lúc này, cơ bản mục tiêu sẽ đạt.
Tổng kết
Coin, lan đột biến cũng từng mang đến tiền cho rất nhiều người. Bong bóng hay đầu cơ là cơ hội khi bạn nhận ra nó. Nhưng luôn phải nhìn vào thực trạng và rủi ro. Chúng ta cũng hiểu rằng TTCK có cơ hội tăng ảo từ dòng tiền thừa thãi, không phải từ kinh tế VN thực sự tích cực. Nó khiến ta phải thận trọng khi hành động. Mặc dù cửa tăng lên tới 8 phần, chỉ có 2 phần rủi ro. Bởi cái thảm họa nếu dòng tiền đầu cơ bị dừng lại vì bất cứ lí do gì (như tỉ giá tăng áp lực lên chính sách tiền tệ), lãi suất phải tăng nhẹ lại v.v thì lúc đó thị trường chỉ nhìn thấy tiêu cực.
Người ta không đánh giá đồng thời cả tích cực và tiêu cực, ngược lại họ thường chỉ nhìn thấy tích cực nếu thị trường xanh. Họ cũng chỉ thấy toàn tiêu cực nếu thị trường đỏ. Dù hiện tại, cả 2 đang vẫn tồn tại.
Giải pháp phù hợp lúc này là tỉ trọng vừa phải, để kịch bản nào xảy ra chúng ta cũng đều có lợi nhuận. Không quá cao, nhưng an toàn và luôn tăng trưởng. Tại zone quanh 1205: Họ CP CK có thể được quan tâm. Ở vùng 1250+, họ CP bank sẽ tốt hơn.
Log in to reply.