-
Thảo luận về cổ phiếu VIC và VFS – Nhìn nhận cơ hội
Vingroup luôn có nhiều fan lẫn anti-fan. Cổ phiếu VIC cũng luôn mang đến những tranh cãi từ ngày đầu nó lên sàn cho tới tận hôm nay. Mọi chuyện càng thêm nóng khi cổ phiếu Vinfast – Công ty con sản xuất ô tô của Vingroup lên sàn CK Mỹ (NASDAQ) thông qua hình thức sáp nhập.
Bài này để thảo luận mọi vấn đề về cổ phiếu VIC và VFS, các rủi ro, cơ hội, tiềm năng của nó. Vui lòng tuân thủ mọi nội quy khi trao đổi và bình luận.
Tình hình thực tế của Vinfast
Có thể tóm tắt tình hình của Vinfast (VFS) qua một số thông tin sau:
- Đã sản xuất, lưu hành được một số mẫu xe điện. Tuy nhiên thị trường của VF mới chủ yếu là thị trường Việt Nam. Ngay tại Việt Nam, doanh số của VF cũng phần lớn đến từ việc bán thông qua thành lập công ty taxi sử dụng xe điện. 6 tháng đầu năm 2023, VF có doanh số khoảng 11.600 xe điện tại Việt Nam.
- Đang trong giai đoạn rất khó khăn và thiếu vốn. Hiện tại vốn chủ sở hữu (Equity) của VFS đang ở mức âm 2.1 tỷ đô. Đây không phải khoản lỗ, đây là số tiền sau khi lấy tổng số nợ từ đi tổng tài sản hữu hình (Các tài sản như thương hiệu, tiềm năng, bằng sáng chế không thể ước tính). Nó tương đương với cổ phiếu nếu loại bỏ giá trị cơ hội, nó ở mức âm chứ không phải mức 0.
- Cơ bản tạo ra được một chiếc xe hoạt động ở mức ổn định. Thiết kế hấp dẫn, bao phủ trạm sạc. Chưa có lợi thế riêng hoặc công nghệ mới, độc quyền.
- Có tham vọng phát triển toàn cầu, bán xe ra nước ngoài và xây dựng nhà máy ở Mỹ.
Đánh giá cá nhân: VF là chiếc xe không tệ, nhưng đương nhiên không xuất sắc. Nó cũng có ít lợi thế riêng biệt mà các hãng khác không có, ngoài hệ thống trạm sạc phủ khắp Việt Nam. Nói về tài chính của VF, dù là doanh thu, nợ hay vốn chủ sở hữu đều là những con số rất buồn. Tại sao nợ đã vượt tài sản (âm vốn chủ sở hữu) nhưng công ty chưa rơi vào vỡ nợ hoặc tệ hơn là phá sản? Đơn giản bởi: Còn trả nợ đúng hẹn thì chưa vỡ nợ. Các khoản nợ trong tương lai chưa tới hạn. Các chủ nợ còn tiếp tục cho vay tiền (hiện tại sẽ là tín chấp – như trái phiếu, do đã hết tài sản) thì vẫn có thể hoạt động. Bản thân cá nhân ông Phạm Nhật Vượng và công ty mẹ tập đoàn Vingroup đã cam kết bơm cho VF 2.5 tỷ đô: 1 tỷ đô vay, 1 tỷ đô ông Vượng tặng và 500 triệu đô Vingroup tài trợ. Số tiền này là rất quan trọng để VF có thể duy trì 02 việc:
- Trả nợ đúng hẹn, trong làm ăn chỉ cần chậm trả nợ 1 lần đồng nghĩa với dấu hiệu của sự thê thảm bắt đầu. Nó y hệt với bất kỳ công ty thậm chí là các cá nhân trong cuộc sống. Đang từ uy tín, tự nhiên chậm trả nợ thì ngày nhận tin vỡ nợ cả làng đã rất gần.
- Tiếp tục gồng gánh những khoản lỗ mỗi quý và đưa VF tới ngày phát triển.
Sau những khó khăn, cũng phải đưa một số thông tin tích cực, một cách khách quan:
- Vinhomes làm ăn vẫn rất ổn. Lợi nhuận từ VHM có thể giúp Vingroup có thêm nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ VF tới khi hòa vốn hoặc có lãi.
- Việc VF lên sàn chứng khoán Mỹ cũng có 2 ý nghĩa tích cực: Thứ nhất tạo sự quan tâm và quảng cáo thương hiệu. Thứ 2 mở ra một cơ hội huy động vốn, cho các đợt phát hành trong tương lai nhằm giúp VFS có thêm nguồn tài chính rất cần thiết. Đây cũng là cơ hội để tiếp cận nhiều hơn các quỹ đầu tư, họ rất sẵn tiền để rót vốn.
Diễn biến cổ phiếu VFS
Nhiều người thường mặc định rằng việc VFS lên như vậy là do lái của cá nhân ông Phạm Nhật Vượng. H.P xin khẳng định rằng không có bất cứ cơ sở nào để đưa ra như vậy.
Trước hết chúng ta nhìn vào việc VFS đạt mức vốn hóa 160 tỷ đô, cao bằng Mercedes + BMW. Cao gấp 2 lần công ty xe điện lớn chỉ sau Tesla, lớn nhất Trung Quốc là BYD. Doanh số của BYD là khoảng 2 triệu+ xe/ năm, vượt xa con số khoảng vài chục ngàn của VFS. Bất cứ ai cũng biết rằng mức giá này chỉ là bong bóng nhất thời.
Có rất đông người đã nhìn vào tương lai còn vô vàn trắc trở của VFS, để định giá rằng giá CP kia là quá cao. Họ đã lao vào để bán khống nó. Lại có một đội lợi dụng lượng cổ phiếu trôi nổi ngoài thị trường là rất nhỏ, họ đã đẩy giá nó lên để kiếm lợi nhuận. Những người bán khống đã lỗ một cách khủng khiếp. VFS đã tăng gấp 7 lần từ mức đấy 11.5$ nó thiết lập vài ngày trước. Quá trình sát phạt này đã khiến Volume của VFS đạt mức rất cao. Nó thậm chí đạt 700 triệu – 1 tỷ đô / ngày. Rất nhiều người đã lao vào lướt sóng VFS. Tổng cổ phiếu đang lưu hành ngoài thị trường chưa tới 5 triệu, nhưng mỗi ngày có tới 15 – 20 triệu cổ phiếu được giao dịch. Nó phản ánh quá trình giao dịch lướt sóng là rất kinh khủng.
Diễn biến của cổ phiếu Vinfast – VFS những giai đoạn gần đây Như vậy tóm gọn: Hiện tượng một cổ phiếu rủi ro bị thổi phồng rất nhanh chóng với volume lớn.
Từ hiện tượng, chúng ta sẽ phân tích các khả năng và kịch bản, dựa trên mục đích:
- Nhóm cá mập (thường là Mỹ) thao túng hiện tượng cổ phiếu mới lên sàn để bơm thổi và kiếm lợi nhuận. Bởi những cổ phiếu mới vừa có thể dễ kéo nhà đầu tư Fomo, vừa luôn có rất nhiều người Short (Do tâm lý tức giận trước sự vô lý). Đặc trưng này vô cùng phổ biến nếu bạn đã tham gia tiền điện tử (CryptoCurrency). Nó thậm chí xảy ra ở 100% các đồng coin mới lên sàn lớn. Nhóm này có thể hoàn toàn không liên quan tới chủ sở hữu.
- Nhóm cổ đông VFS đẩy giá lên mức rất cao. Mục đích chính là dành cho đợt phát hành hoặc thoái vốn sau này. Hãy tưởng tượng một cổ phiếu có đỉnh 15$, bạn mua giá 8$ thấy khá hời. Vậy một cổ phiếu có đỉnh 75$, nay chỉ bán cho bạn giá 15$ hoặc 30$ đã rất nhiều người có xu hướng mua để “tích trữ”. Họ không sử dụng phương pháp định giá, họ thường so với đỉnh để cảm nhận đắt / rẻ, cao thấp.
- Các nhà đầu tư thực sự thấy tiềm năng của VFS, do đó họ mua vào bất chấp một cách tự nhiên đẩy giá nó lên như vậy.
- Nhóm thao túng giá cá mập VIC (Không nhất thiết liên quan ông Phạm Nhật Vượng) đẩy giá VFS lên sau đó kiếm lợi từ VIC tăng giá theo.
Hãy phân tích về khả năng của từng kịch bản. Hãy xem thử phản biện từng kịch bản dưới đây:
Kịch bản 1 không có gì để phản biện, nó không có khe hở.
Kịch bản 2 khá có cơ sở, nhưng nó lại có một vấn đề: Thời gian để có thể bán hay huy động vốn củ VFS còn rất xa. Đương nhiên việc duy trì giá cao trong thời gian dài mới đủ tạo niềm tin. Ngoài ra, cần hiểu rằng nếu cá nhân ông Vượng hay VIC bán CP VFS, đó chỉ là hoạt động thoái vốn thu tiền về. Nó không giúp bất cứ điều gì cho tình hình tài chính VF. Vẫn có một tình huống, nhưng nó là việc bán CP, sau đó lại góp ngược tiền thông qua tài trợ hay cho VF vay. Chỉ khi VF có thể phát hành thêm CP (Pha loãng, gọi vốn) thì mới có thể có tiền. Việc gọi vốn này thường bán cho các quỹ đầu tư là chính, và các quỹ thường dựa vào định giá, phân tích cơ hội hơn là xem giá cổ phiếu trên sàn.
Kịch bản 3 thì rất nhiều lỗ hổng. Chỉ cần nhìn vốn hóa VFS gấp 5 Hyundai, công ty bán hàng triệu chiếc xe mỗi năm là biết. Và họ cũng có xe điện bán được hơn 100 ngàn chiếc tại Mỹ. Có thể so sánh với bất cứ công ty ô tô nào (xe điện) để thấy lỗ hổng của kịch bản này.
Kịch bản 4: Về cơ bản Volume của VFS ở mức 700 tr – 1 tỷ đô đã vài ngày. Volume của VIC khoảng hơn 1K tỷ mỗi ngày ($50 triệu đô). Lái VFS chỉ để kiếm lợi từ VIC giống như bạn giết 1 con trâu, rồi lấy thịt đem ra sông làm mồi câu cá rô phi vậy.
Đánh giá cơ hội với cổ phiếu VIC
Cổ phiếu VIC mới là thứ ta có thể giao dịch dễ dàng. Phân tích VFS để tìm kiếm cơ hội từ VIC mới là ý nghĩa. Việc bàn VFS chỉ để xem bác Phạm Nhật Vượng giàu như thế nào hay giá VFS ảo ra sao thà lên Tiktok xem mấy em gái nhảy.
VIC đã có đợt tăng ấn tượng kể từ lúc tin tức về VF sẽ lên sàn vào đầu tháng 08/2023. Tuy vậy ngay sau đó, nó tỏ ra chẳng liên quan gì tới VFS. Thực ra có liên quan, nhưng ít. Bằng chứng là hôm VFS đạt mức 46$ lần đầu, ngay buổi sáng sau đó VIC tăng trần ngay từ ATO. Tuy vậy sau đó, nó trở về tham chiếu. Kể từ đó, giá VIC và VFS hoàn toàn không liên quan, mặc dù là công ty mẹ công ty con.
Trong khi VFS tiếp tục X2, VIC tiếp tục tụt và khiến cổ đông “lướt sóng” không ngừng kêu ca. H.P cho rằng vấn đề này xảy ra bởi nhóm thao túng giá VFS và VIC vốn không liên quan gì tới nhau.
H.P đánh giá rằng, chúng ta còn ít nhất một đợt tăng giá nữa của VIC. Có thể tóm tắt trong câu: “Nếu không phải tôi thì là ai, nếu không phải lúc này thì lúc nào?”. Chưa bao giờ cơ hội để “đẩy” VIC dễ như lúc này. Có 2 mục tiêu: Giá cơ bản khoảng 72 và giá dự kiến khoảng 90.
Kế hoạch và giá dự kiến cổ phiếu VIC Đánh giá rủi ro:
- Rủi ro về mức tụt của VIC thực ra rất thấp, khi khoảng sideway của nó đã ở mức 52K. Riêng sự ra mắt của VFS đã đủ giữ cho VIC ở mức quanh 60K trong ít nhất nhiều tháng.
- Rủi ro về bản thân doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh: Thực tế đây lại là rủi ro lớn, nhưng trong trung hạn, vẫn chưa có gì sẽ xảy ra với VIC.
- Rủi ro về việc VFS giảm giá, tất nhiên ta sẽ có một ngày không xa, VFS giảm tới 55%/ngày. Tuy vậy giống với điều 1, VIC vẫn sẽ không biến động giá quá nhiều, chỉ khoảng – 3%. Bởi 2 mã này cơ bản đã khá độc lập.
Một giao dịch với khoảng <30% vốn là phù hợp. Nói không với full vốn và margin. Sau đó có thể canh out quanh 2 target, việc giá sụt giảm khoảng 10% sẽ khiến bạn mất khoảng 3% tổng vốn, chưa làm thụt lùi hành trình cả năm của chúng ta. Và xác suất ăn đang cao hơn thua, đáng để đặt cửa.
Mời tất cả ae chia sẻ về VIC và quan điểm đầu tư, dự định đầu tư VIC của mình. KIểu như “VIC phải 200K là rẻ rách”. Nói chung H.P mong muốn các phản biện có chứa thông tin, dữ liệu.
Hoài Phong
Log in to reply.