Tâm lý thị trường và thực trạng nền kinh tế 03/2023

“Sáng nắng chiều mưa tối gió mùa đêm lại bật quạt” là cách nói ngắn gọn nhất về tâm lý thị trường lúc này. Các nhà đầu tư đi từ cung bậc cảm xúc này sang cảm xúc khác liên tục trong một ngày. Bài viết này sẽ làm rõ những kỳ vọng thị trường và tính hợp lý của chúng. Bạn cũng được biết các dữ liệu cụ thể về thực trạng nền kinh tế.
Nội dung
- 1 Tâm lý sợ hãi, lo lắng
- 2 Tâm lý kỳ vọng, tích cực
- 3 Thực trạng thị trường và nền kinh tế
- 3.1 Suy thoái có thể xảy ra năm 2023 không?
- 3.2 Các ngân hàng có thể sụp đổ hàng loạt không?
- 3.3 Fed tăng lãi suất
- 3.4 Cuộc chiến Nga – Ukraina
- 3.5 Các NHTW sẽ cứu các ngân hàng
- 3.6 Lãi suất đi ngang sau đó hạ dần
- 3.7 Chương trình QE của Fed sẽ trở lại?
- 3.8 Ngân hàng sụp đổ, Fed lập tức đảo chính sách?
- 3.9 Đồ thị kỹ thuật vàng
- 4 Đánh giá tổng quan
Tâm lý sợ hãi, lo lắng
Tâm lý lo lắng đều đến từ nguy cơ khủng hoảng, suy thoái kinh tế. Nhưng chúng có thể phân loại nhỏ hơn thành 3 nhóm sau:
- Lo lắng chung về suy thoái kinh tế có thể xảy ra trong năm 2023 hoặc sau đó. Từ rất nhiều nguyên nhân tổng hợp hoặc không rõ căn cứ. Nó bao gồm các lo lắng từ trước khi có các sự kiện lớn diễn ra.
- Lo lắng về đợt khủng hoảng lớn sau hàng loạt sự kiện ngân hàng đóng cửa. Sự kiện các ngân hàng bị hạ tín nhiệm và cổ phiếu các ngân hàng lớn liên tục giảm mạnh. Cùng với đó là 1 số danh sách các ngân hàng có nguy cơ phá sản như Credit Suisse, First Republic Bank v.v
- Lo lắng về việc Fed tăng lãi suất và các phát biểu của Fed.
- Lo lắng về theo lang căng thẳng giữa Nga – Ukraina / Nato và Mỹ
Những lo lắng này đều có ít nhiều cơ sở và logic. Chúng chia làm 2 loại: Lo lắng cục bộ và bi quan tiêu cực. Lo lắng cục bộ sẽ nhanh chóng trôi qua, ví dụ như sau sự kiện SVB phá sản. Chúng tác động tới thị trường tức thì khi tin tức được công bố. Sau đó thị trường lại hồi phục. Nhưng rồi vẫn còn đọng lại đó sự quan ngại đáng kể.
Tâm lý kỳ vọng, tích cực
Sự kỳ vọng xuất hiện nhiều đáng kể giữa một giai đoạn không nên kỳ vọng. Và đương nhiên, mọi kỳ vọng cũng xuất phát từ những cơ sở.
- Tâm lý tích cực từ những dữ liệu mang tính hỗ trợ thị trường như: NHTW sẽ cứu trợ hệ thống ngân hàng.
- Tâm lý kỳ vọng về việc lãi suất sắp bước vào chu kỳ đi ngang, sau đó là đợt hạ lãi suất của Fed và thị trường uptrend.
Thực trạng thị trường và nền kinh tế
Rất dễ để thấy rằng cả sự kỳ vọng lẫn lo lắng trên đều hợp lý. Chúng đều không có điều gì là bất hợp lý lớn cả. Do vậy tâm lý thị trường thay đổi liên tục. Sự tiêu cực và tích cực đảo lộn liên tiếp chỉ trong một ngày. Nó thể hiện rõ nét trên TTCK Mỹ bằng những nến xanh đỏ nhanh và có biên độ lớn đan xen liên tục. Nhưng sau 1 tuần, thị trường vẫn đứng im tại chỗ.
Chúng ta sẽ cùng phân tích những dữ liệu cho sự kỳ vọng và lo lắng để tính toán về tính xác thực của nó. Diễn biến của thị trường chứng khoán không chỉ phản ánh kết quả SXKD. Nó còn phản ánh sự kỳ vọng của thị trường ở tương lai gần. Thậm chí có thể là một kỳ vọng hay sợ hãi vô căn cứ, nhưng chúng vẫn sẽ tác động tới diễn biến giá.
Suy thoái có thể xảy ra năm 2023 không?
Nhiều người chỉ ra các viễn cảnh suy thoái của 2023. Chúng không thật sự thuyết phục. Suy thoái hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng những cơ sở cho việc đó chưa đủ logic. Tới giờ này, chúng giống việc đoàn mò hơn. Không thể nói rằng họ không sử dụng dữ liệu, nhưng dữ liệu đó chưa đủ đi đến kết luận.
Các ngân hàng có thể sụp đổ hàng loạt không?
Với sự phản ứng nhanh & sớm của các NHTW như đã thấy, gần như rất ít rủi ro về việc sụp đổ mang tính Domino của hệ thống ngân hàng. Bạn có thể xem bài báo cáo thực trạng đang diễn ra với các ngân hàng Mỹ.
Fed tăng lãi suất
Thực tế việc tăng thêm 1 chút lãi suất cũng không phải điều gì đó quá to tát nữa. Bởi LS đã tiến gần sát vùng đỉnh để bắt đầu cho việc gia tăng chậm lại. Lạm phát sẽ tiếp tục được kiểm soát rất tốt. (Thông qua dữ liệu giá năng lượng, giá cước vận tải và nhu cầu). Như vậy việc giữ lãi suất đi ngang sau đó hạ dần gần như là tất yếu. Không nhất thiết phải sợ các động thái diều hâu hay shock từ Fed nữa.
Cuộc chiến Nga – Ukraina
Đây là ẩn số có vẻ ít tác động hiện tại. Nhưng nó lại khó đoán nhất. Ưu điểm duy nhất là hiện tại tác động của nó tới nền kinh tế không quá nhiều. Đã hơn một năm trôi qua, mọi người cũng dần quen với nó. Và có thể nó sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa. Nếu cứ đều đều như hiện tại, đương nhiên không đáng sợ. Tuy vậy việc leo thang là có thể xảy ra bất cứ khi nào. Khi sự va chạm trực diện xảy ra, dữ liệu này sẽ lại trở thành rất quan trọng.
Các NHTW sẽ cứu các ngân hàng
Việc này sẽ diễn ra, NHTW đang hỗ trợ các NH tích cực. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng chưa quá nguy cấp tới mức sẽ sụp đổ toàn hệ thống. Các ngân hàng lớn vẫn đang rất ổn.
Đó là động thái Fed sẵn sàng cấp thanh khoản cho các NH tại Mỹ. NHTW Thụy Sĩ sẵn sàng hỗ trợ Credit Suisse khoản tiền hơn 50 tỷ đô.
Đây là một dữ liệu tích cực. Nhưng sự tích cực của nó chỉ là không có đổ vỡ lớn, không phải tích cực đến từ sự tăng trưởng. Nó chỉ đơn giản là khi đang quá sợ hãi một việc tồi tệ, nay nó không xảy ra cũng là tích cực.
Lãi suất đi ngang sau đó hạ dần
Về cơ bản định hướng của Fed đúng là như vậy. Chúng ta có một cú hạ cánh mềm hoàn hảo. Kinh tế chỉ có 2 năm điều chỉnh sau đó tiếp tục chu kỳ tăng trưởng.
Đáy của các thị trường tài chính thường sớm hơn từ 4 – 6 tháng so với sự đảo ngược của chính sách. Do vậy nhiều người kỳ vọng rằng đỉnh của Lãi suất hay giai đoạn đi ngang của LS chính là đáy của các thị trường tài chính.
Ở góc độ này, H.P cho rằng điều đó không chính xác. Nó chỉ đúng trong điều kiện nền kinh tế thích nghi hoàn hảo với chính sách. Không có đổ vỡ và hạ cánh mềm thành công.
Chúng ta còn khoảng 1.5 năm nữa cho kế hoạch QT của Fed (Thắt chặt, giảm bảng cân đối kế toán). Chúng cũng đi kèm lãi suất ở mức tương đối cao sẽ được duy trì. Đỉnh lãi suất đã rất gần, nhưng thời gian nền kinh tế tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ chính sách (giữ nguyên LS, QT) thì xa hơn nhiều. Đương nhiên việc rút tiền ra và duy trì lãi suất cao không phải hoạt động kích thích kinh tế. Sau 1.5 năm, chưa thể nói trước thực trạng khi đó ra sao.
Chúng ta hoàn toàn có thể có một nền kinh tế kiệt quệ khi đó, và việc Fed hạ lãi suất lúc này là bắt buộc để cứu vãn tình hình. Khác biệt ở chỗ hạ lãi suất bị động hay chủ động. Nếu lãi suất hạ chủ động, chúng ta có đáy của thị trường sớm hơn. Trường hợp Fed buộc phải hạ LS do hoàn cảnh, thêm ít nhất 6 – 18 tháng chúng ta mới có đáy.
Nhắc lại rằng không phải khi nào mọi kế hoạch của Fed đều là chủ động. Và các tác động từ công cụ tiền tệ không phải luôn như mong muốn. Ví dụ năm 2008, sau khi đổ vỡ xảy ra, Fed vội vàng hạ lãi suất để cứu vãn tình hình. Đây là hạ lãi suất bị động. Và đó không phải đáy, nó là đỉnh.
Chương trình QE của Fed sẽ trở lại?
QE lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2008. Nền y học kinh tế đã phát minh ra một phương pháp điều trị thần kỳ: Tiêm tĩnh mạch. Trước đây, mỗi khi có khó khăn, các nghiệp vụ chính vẫn chỉ là lãi suất. Sau khi duy trì lãi suất ở 0% vẫn không có hiệu quả, phương pháp bơm thẳng tiền vào nền kinh tế ra đời. Nó tác động nhanh, hiệu quả như việc tiêm so với uống thuốc vậy.
QE lý thuyết chỉ được sử dụng khi các công cụ có sẵn không giải quyết được vấn đề của nền kinh tế. Tuy vậy H.P cho rằng một con nghiện đã chích rồi thì rất khó hút trở lại. Nó quá lâu và chậm chạp, chỉ cần khó khăn tới, họ sẽ nghĩ ngay tới: Chích thuốc.
Do vậy các chương trình QE sẽ vẫn diễn ra trong tương lai. Tốt thôi, nó đẩy nhanh quá trình hồi phục và tăng trưởng.
QE ở hiện tại có thể xảy ra không?
Gần như không có xác suất nào cho việc này xảy ra. Fed vẫn đang tiếp tục mục tiêu thu tiền về. Họ còn rất xa mới đạt được mục tiêu đó. Bạn lại mong muốn rằng họ phát tiền ra ngay?
Dòng tiền nóng cần được làm nguội, cắt gốc triệt để lạm phát. Nó cần biến mất hẳn để sẵn sàng cho một chu kỳ mới.
Ngân hàng sụp đổ, Fed lập tức đảo chính sách?
Sau hàng loạt các ngân hàng sụp đổ. Nhiều người cho rằng Fed sẽ đảo ngược hoàn toàn chính sách để cứu vãn tình hình:
- Dừng tăng lãi suất, thậm chí hạ lãi suất
- Bơm thêm tiền ra để cứu nền kinh tế
Về cơ bản đây là sự kỳ vọng mang tính mộng mơ. Họ kỳ vọng vào nó với sự lạc quan và giàu có. Họ tìm kiếm những tin tức như Fed mới bơm vào hệ thống ngân hàng 300 tỷ đô (Dữ liệu bảng cân đối kế toán). Fed có thể tin 2000 tỷ đô để cứu hệ thống ngân hàng.

300 tỷ, 2.000 tỷ, những con số thật choáng ngợp. Tuy vậy mọi thứ lại khác hoàn toàn bạn nghĩ. Tính tới ngày 15/03, Fed đã thực sự tạo ra nguồn cung hơn 300 tỷ đô. Nhưng đó không phải khoản tiền đưa vào nền kinh tế lưu thông. Nó chỉ là khoản cho vay nóng, giúp các ngân hàng xử lý vấn đề thanh khoản khi khách rút tiền đột biến.


Cũng là 1 khoản cung 300 tỷ, nhưng nếu nó được cấp cho chính phủ vay để xây dựng hạ tầng hay hỗ trợ lĩnh vực nào đó, nó sẽ được đưa vào nền kinh tế. Còn việc cung tạm thời này chỉ giải quyết các nhu cầu rút tiền đột biến, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính. Bạn có thể xem chi tiết tại báo cáo bảng cân đối kế toán ngày 16/03 của Fed.
Dừng mộng mơ về việc này sẽ tốt hơn. Fed vẫn sẽ tiếp tục định hướng cũ của họ, chỉ là “hòa bình – bồ câu” hơn một chút.
Đồ thị kỹ thuật vàng
Đồ thị Kỹ thuật vàng mang tới nỗi lo âu đáng kể. Nó khá đẹp cho một xu hướng tăng dài, trên khung tháng. Vàng có khả năng tăng mạnh chẳng phải điềm lành gì cho toàn thị trường. Đây thậm chí còn là nỗi băn khoăn lớn hơn cả những ngân hàng phá sản đã xảy ra này nọ. Nó nhắc nhở chúng ta về việc quản trị giao dịch trong lúc này, đặt sự cẩn trọng lên trên, lòng tham ở dưới.
Đánh giá tổng quan
Nhìn chung những tiêu cực siêu khủng khiếp vẫn chỉ tới trong tưởng tượng. Sự trì trệ, yếu kém là rất dễ xảy ra với các dữ liệu đã xem xét. Nhưng vẫn chưa có nguy cơ nào cho những cú sụp đổ tan cửa nát nhà. Chưa chứ không dám nói là không, nhưng ít nhất hiện tại là chưa.
Sự bùng nổ là điều gì đó rất xa ở hiện tại. Đánh giá về nền kinh tế hiện tại: Sợ hãi quá mức thì không, nhưng rất lạc quan, tích cực lại càng không. Không phải Suy / Vỡ. Không phải Hưng / Vượng, nó được mô tả bằng chữ: Trầm.
Một lưu ý rằng, chúng ta vẫn có những con sóng tăng giảm diễn ra. Chúng chỉ không phải sự thịnh vượng đột phá (để bạn giao dịch với vốn lớn và không cần lo lắng – uptrend lớn) hoặc sự sụp đổ tan nát (để bạn không nên mua bất cứ gì).
Các dữ liệu và diễn biến sẽ bổ sung khiến kết quả thay đổi đi. Nhưng trước khi có một diễn biến đủ lớn, xu hướng như trong bài vẫn là áp đảo. Đương nhiên, H.P sẽ cập nhật cho bạn dữ liệu mới nhất.
Hoài Phong